Nước không về xóm Nổ
Anh Dũng nói rằng thiệt khó hè, anh thấy cũng rứa, có chi đặc sắc đâu. Tôi giỡn mà thiệt, rằng trong cái tạm gọi là châm ngôn của báo chí ở... nước Anh, có câu rằng “tin không có gì cả là tin đáng sợ nhất”. Anh cười, rứa tùy mi, về rồi tính.
Dấu vết sót lại của xóm Nổ.Ảnh: TRUNG VIỆT |
1. Tôi rà lại trên báo, trên mạng, cố tìm thử có chi đặc sắc về vị trí địa lý của Điện Hồng (thị xã Điện Bàn), thấy lòi ra đây là xứ đất của ngã ba sông Vu Gia, sông Yên và Bình Phước. Anh nói chẳng có chi đặc sắc, cũng như tôi tìm lớt phớt thấy thôi, văn hóa, chính trị, xã hội hiện tại của mảnh đất nối Điện Bàn với Đại Lộc, mỗi lần ngang qua xã này, mắt mũi đều nhắm đích là Vĩnh Điện hay Ái Nghĩa, dù không quên rằng, đất này từng sinh ra giáo sư văn học tên tuổi Lê Trí Viễn... Nhưng kinh nghiệm cho thấy, chỗ giao nhau giữa các dòng sông, thường sinh chuyện chi đó. Năm ngoái tôi đi Vàm Nao - An Giang, nơi giáp sông Tiền và sông Hậu, đất ven bờ Vàm Nao lở nhanh như chớp mắt nhấn mấy chục cái nhà cao tầng xuống sông, khiến cả nước bàng hoàng. Bạn tôi quê ở đó, nói rằng, chuyện lở sông này, lúc bạn còn nhỏ xíu đã thấy, đã có người chết, mà truyền thuyết rằng, xa xưa nơi đây có thủy quái tên là con cheo, mỗi khi nó nổi giận, cựa mình là nhứt định lở sông, cái đuôi nó nằm ở khu vực Chợ Mới - An Giang…
Tôi ra sông đứng với ông Nguyễn Văn Nghĩa, ngó miết, nhớ chuyện kia, thấy đậu xanh và bắp loi thoi bên bờ con nước, nghĩ lắm khi thiên nhiên nổi giận, đất đai mất còn, thảy là do lòng người. Ông Nghĩa là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Điện Hồng. Đây là nhân vật đã lên phim vì vượt lên thương tật, đóng góp nhiều công sức cho hoạt động xã hội địa phương. Ông nguyên là an ninh Điện Bàn, thương binh¼, trước bám trụ ở ngã ba sông đó. Trước khi gặp ông, tôi đã gặp chú Phạm Phú Phương, nguyên bí thư đảng ủy xã Điện Hồng. Câu chuyện chân tình, thiết tha với nơi sinh quán, qua chuyện kể của người đàn ông lành hiền, rằng chú là thế hệ sau, con hãy tìm ông Nghĩa, ổng rành. “Chú chỉ biết, nơi đó có xóm Nổ, vì hồi xa xưa ông bà kể rằng đất đầy cây nổ, phát quang ra rồi làm, dân tụ đến ở, đặt tên là xóm Nổ” - chú Phương chậm rãi – “sông Vu Gia khi về đến thôn Lạc Thành thì tách làm đôi thành sông Yên đụng vô Điện Tiến và Đại Hiệp; nhánh còn lại Điện Tiến và Điện Hồng. Hồi đó, dân ba xã nhưng chỉ mấy chục hộ, xúm lại trong một xóm, cách nhau cái hàng rào. Từ bên xã muốn đi qua đó, phải dùng ghe, cách sông trở đò miết tới chừ, bà con còn đất bắp, đất đậu bên nớ, phải đi ghe thôi, ngặt lắm. Còn chuyện hồi nớ ra răng, chú Nghĩa biết kỹ…”.
Ông Nghĩa. |
2. Tôi đọc trên gương mặt ông Nghĩa chuyện cũ bồi hồi, phải lặng mấy giây ông mới nói. “Xóm Nổ cách ngã ba sông chừng 50 mét. Từ đó, ngó về hướng đông bắc chừng 300 mét là Cấm Lớn, vốn là căn cứ địa của Điện Bàn, Hòa Vang trong chiến tranh. Chú nhớ lúc đó là năm 1969, khoảng 8 giờ sáng, anh em du kích đang trú ở đây ra sông tắm, chính ánh thép của súng đã khiến máy bay từ An Hòa bay ra phát hiện. Thế là nó quần lại, kêu HU1A nện bom. Con cứ nghĩ coi, có chừng 0,5 héc ta đất với 21 cái nhà trên đó, mà có tới 51 quả bom quất xuống, hỏi thứ chi mà còn? Lúc đó, chú đang núp ở Cấm Lớn, nghĩ chắc cú ni là rồi. Hết bom, chú chạy về, dỡ nắp hầm kêu bà con, chẳng nghe ai kêu réo ừ hử; ngoài vườn thì tre trảy, mít nát bấy. Ai ngờ, lúc nó chúi đầu cắt bom, bà con đã chuẩn bị, ngó ngóc đầu lên là họ chạy hết qua Điện Tiến. Cũng có vài người chết. Tại đây, năm 1968, chú cùng hai người bơi ghe qua sông, bị đại liên trên máy bay quạt xuống, có anh trai chú sau đó đã hy sinh, nhưng chú thì đến chừ sau 50 năm, nhớ lại, không biết là lúc đó mình làm răng mà nhảy ra khỏi mũi ghe được…”.
Vị trí hiểm địa như hòn đảo, như thể vận vào cái tên thuở khai sinh là Nổ, kéo dài miết tới chiến tranh. Nổ liên tục vì bom đạn, nhưng cũng là nơi trú ngụ của bao người. Sông cắt chia đôi bờ, ba con sông bọc thành hai nhánh giữ cho nó không nguyên vẹn thì cũng bớt sứt mẻ qua bom đạn. Cái thẻo đất bé xíu, cưu mang dân lành lẫn cán bộ, hứng chịu trần ai, từ họa chiến tranh đến chuyện mưu sinh. “Bà con hồi nớ ở bên ni, bom đạn dữ quá, chạy qua bên nớ tránh. Cả nhà chú cũng rứa. Sống ở xóm Nổ, tự cấp tự túc là chính, làm được trái bắp lon đậu thì chèo ghe lên Ái Nghĩa đổi bán. Vợ chú hồi cũng đi mót kiếm ăn chứ làm chi có ruộng…”. Giọng ông trầm lắng. Tôi như nghe hun hút những dáng đi ẩn mình trong ruộng bắp rồi lăn, chạy vì đạn réo. Những đời dân cơ cực như mái chèo áo cơm không thôi đeo đuổi.
3. Sau 1975, dân tản cư về lại làng cũ. Xóm Nổ như hết vai trò lịch sử của mình, buồn tênh. “Nó lở con à, do sông Yên là chính, nước trên Vu Gia mạnh quá tống về, nó tạt qua phía bên kia, khoét thêm cái mương to sát xóm nữa. Lở miết mấy chục năm rồi, chừ thêm nạn hút cát trên sông, mình đứng trên bờ, nó ở dưới ghe chửi tục. Ngay xã kìa, lở mỗi năm 5 - 10 mét, còn 80 mét nữa là tới Nhà văn hóa, kè đâu có được, nhớ tiếc mà đành chịu”. Tới đây thì giọng ông như nước sông trôi, như cam chịu. Lở 90% rồi, nên cái xóm là “đảo của dân… cư ngụ” một thuở, bây giờ nền nhà cũ đã bay mất, giỏi lắm thì còn cái sân, 10 ngàn mét vuông đất, thì đi chầu hà bá đã hết ngàn. Bà con, giống như ngày cũ chạy giặc, bây giờ muốn qua đó làm đồng thì cũng phải chèo ghe, tiết đông giá mưa lớn nước lụt thì đành đứng bên này ngó. Dân không ở chỗ đó nữa, cũng đúng thôi, chứ không sẽ khó khăn cho đi lại, bán buôn, rồi tụi con nít đi học nữa. Làm cầu thì không có tiền. “Thì đây, còn bắp đậu xanh, nhưng ít lắm”, ông khoát tay. Rõ là ít, ngay chỗ xóm đóng đô dồn tụ một thuở, giờ chỉ còn một bụi tre lớn như làm mốc làm dấu. Giọng ông buồn bã: “Từ tháng 6 là hết làm rồi, dân bên Điện Tiến nuôi mấy chục con bò, thả vô ăn phá, ai đời mình hái đậu xanh đi trước, bò đi sau, hái cho nhanh chứ không là nó vô ăn hết”.
Nắng gay gắt. Sông như lặng im. Sát mép nước vô xóm Nổ, mấy con bò đua nhau xuống sông uống nước. Không chừng, nay mai thôi, xóm đó chỉ còn trong ký ức, lớp người như ông Nghĩa mất đi, chẳng ai nhớ nữa. Thương hải tang điền, đành chịu. Đứng cạnh tôi và ông, anh Dũng bật cười, chỗ ni con tới rồi, tưởng chỗ mô… Tôi với anh chơi với nhau tròm trèm 30 năm rồi. Thuở tôi mới tập tễnh đi viết kiếm cơm, biết anh tới chừ, thấy nụ cười anh vẫn thế, nhẹ nhõm, thân ái và hỷ xả, dù bao tai ách biến động đổ xuống đầu.
Khi tôi quay về, nghĩ nết đất sinh tính người, nên anh và ông Phương, ông Nghĩa và bao người là thế, mọc lên tại xứ đất ở ngã ba sông, sinh ra rồi mất đi lặng lẽ như con nước đêm những ngày không dông gió. Có những con người, những địa danh chỉ có trong ký ức dân gian, nhưng lại ký thác cái trở mình, gánh gồng hơi thở của cả một giai đoạn, là tờ giấy đóng triện vô danh chở bao nỗi niềm, thân phận, là gửi gắm lẽ sinh tồn và mất đi như bất kỳ sự hiện tồn tưởng chừng vô nghĩa trong cái lở bồi của sông và lòng người. Ông Nghĩa nói rằng, để cho lớp đi sau nhớ, ba xã Điện Tiến, Điện Hồng và Đại Hiệp từng đề nghị dựng bia tưởng niệm ở đó, nhưng rồi không thành, vì đường đi cách trở quá. Một rẻo đất vô danh như bất kỳ doi đất nào đó nằm dọc sông Thu Bồn, như đứa con nghịch cứ chực chòi ra khỏi lòng mẹ mà vẫn cố níu, sợ rơi. Những cồn, những bãi, đó là một khúc thức, một quãng rơi bất ngờ mà thi vị, không hề vô nghĩa như khúc thịt thừa. Tôi hay lơ mơ mùa nước lớn về, cứ ngó cái đoạn nổi trên sông lút hay chưa, sẽ biết nước tới chừng nào; chim, cò, chuột, có chút đó mà tụ về.
“Nó lở nhanh lắm”, ông Nghĩa như nói một mình. Ai dám chắc rằng, sáng ngày tỉnh dậy, vẫn còn thấy nó hay phải dụi mắt khi chỉ thấy linh lang nước, lúc đó y như rằng, nước không về xóm Nổ nữa…
Phóng sự của TRUNG VIỆT/baoquangnam.vn