Hướng dẫn phân loại, thu gom và xử lý rác thải hộ gia đình trong tình hình hiện nay.
1. Phân loại rác tại nguồn
1.1. Phương pháp phân loại rác tại nguồn
Rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý, cần được phân loại ngay tại hộ gia đình.
Cách nhận biết như sau:
– Rác hữu cơ dễ phân hủy: là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: các loại thức ăn thừa, hư hỏng (rau, cá chết…), vỏ trái cây,….
– Rác thải khó phân hủy được chia làm 2 loại đó là rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: giấy, bìa các tông, kim loại (khung sắt, máy tàu hỏng, nhôm…), các loại nhựa (vỏ chai, đồ nhựa gia dụng)…. Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ.
1.2. Vì sao phải phân loại rác tại nguồn
– Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến;
– Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm;
– Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường;
– Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
2. Phương pháp thu gom rác thải
– Thu gom rác hữu cơ dễ phân hủy:
Thu gom riêng vào vật dụng chứa rác để tận dụng làm phân compost (tại gia đình).
– Thu gom rác khó phân hủy
+ Thu gom rác tái chế: Rác tái chế được tách riêng và đựng trong túi nilon hoặc túi vải để bán lại cho cơ sở tái chế.
+ Thu gom rác không tái chế: Các thành phần rác không có khả năng tái chế sẽ được thu gom, đựng trong dụng cụ chứa rác tại gia đình và đưa đến điểm tập kết để xe chuyên dụng đến vận chuyển đưa đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định. (Trong thời gian này đề nghị từng hộ gia đình tập kết tại vị trí xa khu nhà ở, đến khi nào công ty cổ phần môi trường đô thị Quảng Nam thu gom trở lại thì tập kết về nơi quy định).
Dụng cụ chứa rác là các thùng rác chuyên dùng hoặc tận dụng các vật dụng có sẵn ở gia đình như thúng, sọt, bao tải, túi nilon,….
3. Các phương pháp xử lý rác thải quy mô hộ gia đình:
- Chôn lấp: Mỗi hộ gia đình chuẩn bị một hố chôn lấp để chôn lấp các loại rác hữu cơ dễ phân hủy, sau một thời gian rác hữu cơ sẽ phân hủy thành những loại phân hữu cơ có lợi cho cây trồng.
- Đốt: Dùng một số hóa chất dễ cháy để đốt các loại rác dễ cháy như giấy, túi ni lon, nhựa không thể tái chế. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là làm giảm đáng kể thể tích chất thải phải chôn lấp (xỉ, tro).
- Ủ phân hữu cơ: Rác hữu cơ dễ phân hủy được phân loại riêng và ủ thành phân compost ngay trong sân vườn.
Phân compost là chất mùn ổn định thu được từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ, không chứa các mầm bệnh, không lôi kéo các côn trùng, có thể được lưu trữ an toàn và có lợi cho sự phát triển của cây trồng. Phân hữu cơ rất cần cho cây trồng, nó vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, vừa duy trì độ phì cho đất.