Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 1
Tháng 11 : 130
Tháng trước : 143
Năm 2024 : 883
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng Nông thôn mới ở Điện Bàn

Để giữ chuẩn xã nông thôn mới (NTM), xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”, “Xã NTM nâng cao” và “Xã NTM kiểu mẫu”, thị xã Điện Bàn cần phải làm nhiều việc mới mong tiệm cận mục tiêu đề ra.

Cảnh quan đường sá thoáng, xanh, đẹp ở một khu dân cư đạt chuẩn MTN của Điện Bàn. Ảnh: C.T
Cảnh quan đường sá thoáng, xanh, đẹp ở một khu dân cư đạt chuẩn MTN của Điện Bàn. Ảnh: C.T

Gặp nhiều trở ngại

Giai đoạn 2015 - 2018, Điện Bàn đã đạt kết quả ấn tượng khi toàn bộ 13/13 xã phường trên địa bàn đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, hạn chế vẫn bộc lộ với chất lượng xây dựng xã NTM, “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” chưa tương xứng với sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước. Một số xã, thôn đã đạt chuẩn ít chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí “mềm” nhưng dễ biến động, thiếu bền vững, như văn hóa, hệ thống chính trị, tiếp cận pháp luật, quốc phòng - an ninh, môi trường và an toàn thực phẩm... Nếu nghiêm túc nhìn nhận, có thể thấy cảnh quan nông thôn ở một số xã còn có mặt hạn chế, chỉnh trang vườn tược, hàng rào cổng ngõ thiếu đồng bộ. “Suy giảm thâm canh, đất bỏ hoang đang diễn ra; năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa còn thấp, tính cạnh tranh yếu. Nhiều hợp tác xã hoạt động kém, cầm chừng, không có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực, chỉ quan tâm đến giá bán ra mà chưa có giải pháp cụ thể trong áp dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận” - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Đức Chơi thừa nhận.

Triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thị xã kỳ vọng rất lớn song kết quả còn nhiều bất cập, giải pháp thực hiện chưa phù hợp với tính lợi thế của từng địa phương. Ở khu vực nông thôn, mối quan hệ giữa con người với con người, với môi trường, gia đình, làng xóm, nếp sống văn hóa, chấp hành pháp luật nổi lên dấu hiệu đáng lo ngại. Cảnh quan, môi trường nông thôn, đường làng, ngõ xóm, nhà cửa chưa sáng, xanh, sạch. Trong khi đó, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư để chất thải, nước thải ảnh hưởng đến môi trường vẫn còn. Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Nguyễn Minh Hiếu đánh giá, năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của một số địa phương còn hạn chế. Cán bộ phụ trách NTM hoạt động kiêm nhiệm, nên khó tập trung nghiên cứu các văn bản để tham mưu, ảnh hưởng kết quả triển khai nhiệm vụ. Tình trạng rượu chè, cờ bạc, ma túy, trộm cắp, tín dụng đen xảy ra nhan nhản. Có địa phương “rớt” một số tiêu chí, nhưng lại bình chân như vại.

Cần làm nhiều việc

Theo Quyết định 756/QĐ-UBND ngày 13.3.2017 của UBND tỉnh, Điện Bàn có 5/13 xã NTM tiếp tục được giữ vững và nâng cao các tiêu chí, bao gồm Điện Quang, Điện Minh, Điện Phước, Điện Thọ và Điện Tiến. Đến cuối năm 2018, có 28 thôn được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”. Qua rà soát các tiêu chí “Xã NTM nâng cao” theo Quyết định số 3816/QĐ-UBND ngày 20.12.2018 của UBND tỉnh, Điện Quang đạt 5/12 tiêu chí, Điện Trung đạt 6/12 tiêu chí, Điện Phong đạt 3/12 tiêu chí. Theo Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5.6.2018 của Thủ tướng Chính phủ, thị xã rà soát các tiêu chí “Xã NTM kiểu mẫu” thì 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong đạt 1/4 nhóm tiêu chí.

Chia sẻ mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Hiếu nói: “Thị xã quyết tâm tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo Quyết định số 756/QĐ-UBND; tiếp tục xây dựng 26 thôn đạt chuẩn năm 2019. Chúng tôi phấn đấu xây dựng 3 xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong đạt “Xã NTM nâng cao”, “Xã NTM kiểu mẫu” năm 2019, năm 2020 theo Quyết định số 3816/QĐ-UBND ngày 20.12.2018 của UBND tỉnh”. Lãnh đạo thị xã Điện Bàn khẳng định, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cho từng nhóm. Trọng tâm là thực hiện Đề án “phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng và phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Gắn việc xây dựng NTM với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “5 không, 3 sạch”, “sản xuất, kinh doanh giỏi”, “nhà sạch, vườn đẹp”… Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Điện Bàn kiến nghị tỉnh ban hành hướng dẫn chi tiết quy trình rà soát, đánh giá xét công nhận “Xã NTM nâng cao”, “Xã NTM kiểu mẫu” và cơ chế đặc thù về nguồn lực liên quan; hỗ trợ đủ kinh phí 40% cho các thôn xây dựng đạt tiêu chí “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”.

Để tạo thuận lợi cho các địa phương, lãnh đạo thị xã cho rằng tỉnh cần điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với thực tế. Cụ thể, tiêu chí giao thông quy định cây xanh trồng phải có chiều cao 2m, đường kính thân cây từ 4cm trở lên; tiêu chí giáo dục quy định không có học sinh học lực yếu phải trừ học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ; thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp phải đạt tỷ lệ trên 95% (Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 25.4.2017 của Tỉnh ủy Quảng Nam quy định tỷ lệ 80%). Cạnh đó, tỉnh cần cho chủ trương mới sau khi sáp nhập thôn. Bởi, quy mô thôn mới sau khi sáp nhập dự kiến tăng gấp 2 lần về diện tích, dân số thì nguồn tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng/thôn để xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” là chưa đảm bảo; một số thôn đã được công nhận, nay sáp nhập với thôn chưa đạt nên “mới đạt một nửa thôn”. Sau khi di dời tường rào cổng ngõ để mở đường giao thông, trụ điện, trụ viễn thông nằm ngoài lề đường, cho nên cấp trên cần chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương di dời để không ảnh hưởng đến an toàn giao thông và cảnh quan NTM.

CÔNG TÚ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip